“Thuỷ triều đỏ” là một cái tên mỹ miều mà các nhà khoa học đặt ra mỗi khi nước biển không còn giữ được màu xanh dương vốn có mà chuyển sang đỏ hoặc cam hoặc nâu. Vậy thuỷ triều đỏ là gì? Tại sao lại diễn ra hiện tượng này? Chúng có tác hại và biện pháp ngăn ngừa, xử lý ra sao? Cùng tìm hiểu những vấn đề này trong bài viết sau đấy nhé!
Thuỷ triều đỏ là gì?
Thuỷ triều đỏ” là một cái tên mỹ miều mà các nhà khoa học đặt ra cho hiện tượng bùng nổ “dân số” của tảo biển. Loại tảo xuất hiện chính trong hiện tượng này là tảo Karenia Brevis. Tuy nhiên, đôi khi tảo Alexandrium Fundyense và tảo Alexandrium Catenella nở hoa cũng gọi là thuỷ triều đỏ.
Ban đầu, việc tảo độc nở hoa chỉ khiến nước biển chuyển màu đỏ nên gọi là thuỷ triều đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, nó lại có thể khiến nước biển chuyển màu xanh, nâu, tím, thậm chí là không đổi màu. Chính vì vậy, thuật ngữ “thuỷ triều đỏ” hiện nay đã dần bị loại bỏ bởi nó đã không có độ chính xác như trước nữa. Hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra một khái niệm có tính khái quát hơn là Harmful Algal Blooms - nghĩa là tảo nở hoa gây hại.
Nguyên nhân gây nên thuỷ triều đỏ
Qua quá trình tìm hiểu, Litter It Costs You cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến thuỷ triều đỏ. Đó là do tự nhiên và do các hành vi của con người.
- Tự nhiên
Thuỷ triều đỏ sinh ra một cách tự nhiên là do nước biển có độ mặn thấp trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng trong nước lại cao (chủ yếu là hai thành phần phốt pho và nitơ). Ngoài ra dòng chảy chậm cùng với nhiệt độ nước bề mặt so với bình thường ấm hơn cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thuỷ triều đỏ. Việc thuỷ triều đỏ sinh ra tự nhiên không diễn ra thường xuyên mà chỉ thi thoảng mà thôi.
- Con người
Xả thải bừa bãi ra biển là nguyên nhân dẫn tới thuỷ triều đỏ
Các hành vi của con người là một nguyên nhân lớn khiến tình trạng thuỷ triều đỏ diễn ra thường xuyên. Cụ thể, con người thường xuyên thải chất thải hoá học ra môi trường như phân bón, chất thải từ các khu công nghiệp… chứa chất hữu cơ khiến tảo sinh sôi và phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khu vực con người đổ thải.
Hiện tượng El Nino khiến cho nước biển ngày càng nóng hơn, tạo điều kiện cho tảo phát triển và nở hoa. Được biết, El Nino hình thành do sự biến đổi khí hậu, trong khi con người là tác nhân chính dẫn đến khí hậu bị thay đổi.
Tác hại và biện pháp ngăn ngừa, xử lý khi tảo nở hoa xảy ra
Tác hại
Tảo nở hoa gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với môi trường biển và con người. Cụ thể:
- Khiến oxy trong nước biển bị cạn kiệt
- Khiến động vật biển chết
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều loại tảo có thể khiến những động vật thuỷ sinh chết. Ví dụ như tảo Ceratium có thể khiến ấu trùng hai mảnh vỏ chết. Hay như tảo Noctiluca Scintillans lại có khả năng ăn những trứng cá trôi nổi không những vậy còn gây hại cho các động vật thuỷ sản. Đặc biệt, những thuỷ sản được nuôi trong lồng nếu gặp phải tảo nở hoa có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn so với thuỷ sản tự nhiên vì nó sẽ không thể chạy trốn được.
- Sinh độc tố
Các loại tảo sinh độc tố có thể khiến mang cá bị tổn thương khiến hệ thống hô hấp của chúng bị ảnh hưởng. Hô hấp bị ảnh hưởng có thể gây nên tình trạng vỡ mạch máu, xuất huyết hay hệ thần kinh bị ảnh hưởng.
- Khiến các chỉ tiêu về môi trường biển như hàm lượng pH, DO, kiềm… bị thay đổi.
- Tác động đến con người
Chúng ta biết rằng, nhuyễn thể có thể hấp thu đồng thời tích luỹ các độc tố từ thuỷ vực. Các nhuyễn thể này có thể tích luỹ độc tố trong cơ thể đến vài tháng. Bởi lẽ, sự đào thải độc tố ban đầu diễn ra khá nhanh nhưng nó lại giữ lại chỉ trên mức an toàn 1 chút và sau đó duy trì tình trạng này trong khoảng thời gian khá dài. Nếu con người ăn phải những nhuyễn thể nhiễm độc có thể khiến mắt bị dị ứng, đường hô hấp bị ảnh hưởng. Bệnh nhẹ là hắt hơi, ho, chảy nước mắt; nếu bệnh nặng có thể mắc bệnh hen suyễn hoặc phổi mãn tính.
Chính vì vậy, ngoài việc khiến các nhuyễn thể bị chết thì để tránh ảnh hưởng đến con người, các quốc gia trước khi xuất nhập nhuyễn thể đều quan trắc và có những quy định nghiêm ngặt.
Biện pháp ngăn ngừa và xử lý khi xảy ra hiện tượng tảo nở hoa
Để ngăn ngừa hiện tượng tảo nở hoa, có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Thắt chặt và kiểm soát nguồn nước thải ra môi trường biển, nhất là vùng chăn nuôi thuỷ sản.
- Lập ra bản đồ các khu vực có thể xảy ra hiện tượng tảo nở hoa gây hại để từ đó có biện pháp phòng ngừa.
- Sử dụng biện pháp lắng tảo hoặc hoá chất sinh học để hạn chế việc tảo nở hoa.
- Lập sẵn phương án khắc phục hậu quả sau khi hiện tượng thuỷ triều đỏ xảy ra.
- Quản lý chặt chẽ môi trường ven biển.
Vậy nếu đã xảy ra hiện tượng tảo nở hoa thì xử lý như thế nào? Các bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Ngừng cung cấp thức ăn cho vật nuôi để giảm nhu cầu oxy của chúng lại.
- Di chuyển lồng nuôi đến nơi khác hoặc nếu không kịp di chuyển, có thể dìm lồng nuôi xuống gần đáy biển để có thể tránh được tầng nước mặt bị ảnh hưởng bởi tảo độc.
- Bơm nước biển ở tầng đáy lên trên mặt lồng nuôi để cung cấp nước cùng oxy sạch.
- Rải đất sét dạng lỏng hoặc bột lên trên vùng tảo nở hoa với hàm lượng 20 - 200 g/m2 để tạo ra hiện tượng kết tủa và tảo chìm xuống đáy.
Mặc dù từ rất lâu trước kia, hiện tượng thuỷ triều đỏ đã xuất hiện nhưng với tần suất thường xuyên như hiện nay và đem đến những tác hại không nhỏ thì có thể thấy đây là một vấn đề cấp bách cần được nghiên cứu cụ thể. Từ những nghiên cứu này có thể bảo vệ được sức khoẻ của cộng đồng cũng như có biện pháp để phòng ngừa và xử lý triệt để khi hiện tượng này xảy ra.
source https://litteritcostsyou.org/thuy-trieu-do/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét